Kinh doanh nhà hàng và những điều cơ bản phải biết
- 02 Th5 2018Trước đây, nhu cầu cơ bản của con người chỉ là ăn no mặc đủ, thì ngày nay, ăn ngon mặc đẹp còn là tiêu chí mà nhiều người vô cùng quan tâm. Do đó, nhu cầu ăn uống cũng được chú ý nhiều hơn.
Không chỉ là ăn ngon, mà không gian để thưởng thức món ăn ấy còn phải khơi gợi được sự thích thú và thoải mái, cũng như sự phục vụ phải tương xứng với đồng tiền bỏ ra. Vì vậy, việc đi nhà hàng cũng trở thành một thói quen, một nhu cầu, một sở thích, góp phần nâng cao sự phát triển của các nhà hàng ở mọi nơi.
Kinh doanh nhà hàng – (Nguồn: Kiot Việt)
Rất nhiều người vô cùng quyết tâm trong việc mở nhà hàng để kinh doanh và phục vụ nhu cầu ăn uống đa dạng của nhiều tầng lớp khác nhau. Tuy vậy không phải ai cũng thành công? Lí do là đâu?
Không hiểu rõ vai trò quản lý
Với tư cách là chủ/ quản lý nhà hàng, trách nhiệm là vô cùng nặng nề và đòi hỏi bạn phải có tầm nhìn cũng như chiến lược từ mọi khâu: lên kế hoạch, xây dựng, tìm nguồn thực phẩm cho đến chọn nhân viên, lên thục đơn.... Công việc này không chỉ đòi hỏi sự say mê mà còn cả kiến thức sâu rộng về mọi mặt. Đơn giản, vì khách hàng của bạn có xuất thân khác nhau, do đó nhu cầu cũng khác nhau.
Khi hiểu rõ được những trọng trách đặc biệt của việc quản lý, bạn sẽ cảm thấy trách nhiệm của mình trong việc điều hành một nhà hàng là vô cùng nặng và quan trọng. Quản lý chính là mắt xích chính tạo ra động lực cho các bộ phận khác trong bộ máy hoạt động một cách trơn tru và hiệu quả.
Sự cạnh tranh khốc liệt
Ngày nay, việc nhà hàng mọc lên như nấm ngày càng nhiều đã trở thành một hiện tượng vô cùng quen thuộc. Có rất nhiều loại hình nhà hàng mà bạn có thể chọn để theo đuổi. Tuy nhiên khi đã quyết định chọn một loại hình nhất định, thì bạn nên đặt ra quyết tâm và theo đuổi đến cùng. Bởi vì, không chỉ trong kinh doanh nói riêng, mà trong tất cả mọi thứ trong cuộc sống nói chung, nếu chúng ta muốn làm một thứ gì đó mà không làm toàn tâm toàn ý, thì nhất định kết quả sẽ không như mong muốn.
Sự cạnh tranh khốc liệt trên thương trường cùng những đối thủ cùng phân khúc và khác phân khúc sẽ buộc bạn phải tìm ra cách tốt nhất để chiến thắng trong cuộc đua giành thị phần. Hãy tự cho mình khoảnh thời gian để suy nghĩ thật thấu đáo những quyết định của mình trước khi đặt những bước chân đầu tiên để xây dựng nhà hàng của bản thân.
Luôn luôn sạch sẽ
Nhiều người mới bắt đầu kinh doanh với lĩnh vực nhà hàng thường bỏ qua khá nhiều những chi tiết cơ bản vì cho rằng chúng không cần thiết và không gây ảnh hưởng nhiều đến công việc. Tuy vậy, mọi thứ đều khởi đầu với những điều nhỏ nhặt nhất.
Đối với các dịch vụ ăn uống nói chung và nhà hàng nói riêng, yếu tố vệ sinh đóng vai trò cốt yếu tạo nên uy tín và danh tiếng. Một nhà hàng đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm sẽ luôn là lựa chọn hàng đầu bên cạnh chất lượng và hương vị của món ăn. Cho dù có nổi tiếng, thức ăn có ngon và nhiều khách đến mức nào nhưng không gian đầy rác và bụi sẽ là điểm trừ lớn trong mắt thực khách khi sử dụng dịch vụ tại nhà hàng.
Luôn kiên nhẫn và bình tĩnh
Trong cuộc sống nói chung và kinh doanh nhà hàng nói riêng, chúng ta luôn cần phải giữ cho mình sự bình tĩnh trước mọi áp lực, để từ đó có thể đưa ra những quyết định chính xác nhằm giải quyết các tình huống khó nhằn một cách chính xác và hợp lý nhất. Tương tự như bất kì lĩnh vực kinh doanh nào, việc quản lý nhà hàng đòi hỏi sự kiên nhẫn cao độ. Có như vậy, chúng ta mới có thể tự mình xử lý bất trắc, làm dịu mâu thuẫn và giữ tiến độ công việc được trơn tru.
Colin Powell từng nói: “Thành công là kết quả của sự hoàn hảo, làm việc chăm chỉ, học hỏi từ thất bại, sự trung thành và kiên trì”. Đúng là như vậy, những phẩm chất giúp bạn đạt được mục tiêu thường tương tự như những phẩm chất cần thiết của những nhà lãnh đạo vĩ đại. Là một doanh nhân, có thể bạn sẽ là một nhà lãnh đạo, vì vậy khả năng truyền cảm hứng cũng như sự kiên trì sẽ là chìa khóa giúp bạn tăng trưởng và thành công.
Luôn bình tĩnh để giải quyết vấn đề – (Nguồn: Nicole Beurkens)
Không đầu hàng khó khăn
Khi mới bắt đầu, mọi thứ trước mắt nhìn có vẻ vô cùng đơn giản. Nhiều người vừa mới bắt đầu kinh doanh nhà hàng và không có kinh nghiệm thường nghĩ mọi chuyện không khó khăn là mấy. Chỉ có việc mở nhà hàng, bán cho khách hàng, thu tiền và sinh lợi. Tuy nhiên điều đó chỉ chứng minh đó là những người kinh doanh không có tầm nhìn xa.
Trong bất cứ khâu nào cũng sẽ có những khó khăn mà một doanh nhân thành công phải giải quyết. Việc giải quyết khó khăn khi kinh doanh nhà hàng cũng giống như bơi trong một dòng nước chảy xiết. Nếu không cẩn thận, bạn có thể bị cuốn đi bất kỳ lúc nào. Nhiều người vì những khó khăn lúc đầu mà sớm nản chí và từ bỏ. Nhưng nếu bạn chuẩn bị cho mình đủ kiến thức, đủ hành trang, bạn có thể từng bước vượt qua và tiến đến thành công trong tương lai.
Không bao giờ đầu hàng – (Nguồn: Dreamstime)
Giữ lửa đam mê
Không có thành công nào mà không bắt nguồn từ đam mê. Đam mê chính là ngọn lửa truyền nhiệt và vực chúng ta dậy khi mệt mỏi. Nếu làm một công việc mình không có một chút cảm hứng, thì mỗi ngày đi làm sẻ cảm thấy vô cùng nặng nề. Hãy làm cho mỗi ngày bắt đầu công việc, chúng ta cảm thấy vui vẻ với thứ mình đang làm, cảm thấy như đang đi dạo chơi, chứ không phải là đi làm
Giữ lửa và truyền lửa đam mê cho người khác – (Nguồn: Denny Livingston Ministries)
Bên cạnh đó, việc truyền lửa cho những người khác cũng rất quan trọng, đặc biệt là cấp dưới, là nhân viên của bạn. Vì trong ngành nhà hàng, chính nhân viên là người tiếp xúc với khách hàng, chứ không phải bạn. Dưới áp lực của muôn ngàn công việc như đòi hỏi của khách hàng, dọn dẹp, nấu nướng, bưng bê và phục vụ..... nhân viên nhà hàng sẽ rất dễ trở nên cáu bẩn và bực dọc, từ đó không chỉ gây ảnh hưởng đến năng suất công việc mà còn ảnh hưởng tới khách hàng. Tuy nhiên, chỉ cần một lời động viên nhẹ nhàng kèm nụ cười thân thiện từ phía người quản lý, chắc chắn người nhân viên đang "bốc hỏa" kia sẽ nhanh chóng cảm thấy mát lòng mà tiếp tục công việc của mình.
Kinh doanh nhà hàng không phải việc dễ dàng, đặc biệt với những người mới, nhưng nếu chúng ta có đủ sự yêu thích, đủ đam mê, đủ kiến thức cũng như nhiệt huyết, cùng sự tận tâm với công việc, thì cho dù là khó khăn đến mấy, đều có thể vượt qua.
Cuối cùng, bạn có thể tham khảo thêm 4 ý tưởng kinh doanh cho mùa hè và Bắt đầu kinh doanh đồ handmade như thế nào? để có thể tự mình trau dồi kiến thức và kinh nghiệm cho bản thân trong tương lai nhé.
Tags: kinh doanh, kinh doanh nhà hàng, khó khăn khi kinh doanh
M.T